Đặt mục tiêu đúng là một việc rất quan trọng bởi mục tiêu định hướng công việc chúng ta làm. Có lẽ tôi không cần phải nói nhiều hơn về điều này. Đặt mục tiêu một cách khoa học quan trọng hơn rất nhiều. Theo nghiên cứu của ĐH Scranton, chỉ 8% những người được khảo sát đạt được mục tiêu trong năm 2014 của mình, đa phần thất bại do không đặt được mục tiêu một cách khoa học.

>> Xem thêm: TÀI LIỆU LẬP TRÌNH CĂN BẢN – ĐƠN GIẢN, DỄ HỌC!

Một phương pháp đặt mục tiêu khoa học được giới thiệu từ những năm 1980 là SMART, nhưng hiện nay cũng không hẳn nhiều người biết hoặc áp dụng thành công. Tôi chỉ giới thiệu sơ qua về phương pháp này, bởi bạn có thể tìm thấy rất nhiều bài học về SMART thông qua Internet.

Phương pháp đặt mục tiêu SMART dựa trên 5 yếu tố tạo nên từ này: S.M.A.R.T = Specific, Measurable, Achievable, Relevant, Time-Bound.

  • Specific (Cụ thể): Nếu mục tiêu mông lung, làm sao chúng ta biết phải làm gì? WHAT.
  • Measurable (Đo được): Nếu mục tiêu không đo được, làm sao chúng ta biết khi nào mình đã đạt được? WHERE.
  • Achievable (Khả thi): Nếu mục tiêu không khả thi, làm sao chúng ta thực hiện? HOW.
  • Relevant (Liên quan): Nếu mục tiêu không có sự liên quan (tới cuộc sống, những mục tiêu khác), chúng ta đạt mục tiêu có ý nghĩa gì? WHY.
  • Time-Bound (Có thời hạn): Nếu mục tiêu không giới hạn thời gian, khi nào nó được đánh giá?WHEN.

Ví dụ, mục tiêu “năm nay kiếm được nhiều tiền” không khoa học. Thế nào là nhiều (measurable)? 1 tỷ USD là nhiều (achievable)? Tiền để làm gì (relevant)?

Một mục tiêu tốt hơn là “để phục vụ cho công việc (relevant), năm nay (time-bound) kiếm được thêm 50 triệu (measurable) để mua laptop mới (specific) nhờ việc bán hàng online (achievable)”. Yếu tố achievable là khó nhất, nếu chúng ta đã có kỹ năng bán hàng online tốt, đã có vốn thì mục tiêu này khả thi. Ngược lại, mục tiêu không khả thi.

Gần đây, một phát triển mới từ phương pháp S.M.A.R.T là S.M.A.R.T.E.R, được thêm vào 2 yếu tố nữaE.R. Có nhiều biến thể của phương pháp này, nhưng phiên bản tôi thấy thích nhất là E.R = Evaluate, Re-Adjust.

  • Evaluate (Đánh giá): Một mục tiêu khoa học cần có trong đó khả năng đánh giá được qua từng giai đoạn hoặc tiến trình đạt được mục tiêu.
  • Re-Adjust (Điều chỉnh): Trong quá trình thực hiện, nếu mục tiêu đã lỗi thời hoặc cách tiếp cận của chúng ta không còn đúng, mục tiêu ngay lập tức được điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình hiện tại.

Ví dụ, với mục tiêu chúng ta đã có theo S.M.A.R.T ở trên, có thể bổ xung như sau “để phục vụ cho công việc (relevant), năm nay (time-bound) kiếm được thêm 50 triệu (measurable) theo từng tháng (evaluate) để mua laptop mới (specific) nhờ việc bán hàng online (achievable)”. Như vậy, cứ sau mỗi tháng, chúng ta lại đánh giá lại quá trình đạt được mục tiêu. Nếu đến tháng 5, chúng ta chỉ kiếm được 10 triệu thì cần phải điều chỉnh lại mục tiêu hoặc cách làm. Cũng có thể, đến tháng 5 chúng ta vẫn chưa phải điều chỉnh gì với mục tiêu là “để phục vụ cho công việc (relevant), năm nay (time-bound) kiếm được thêm 50 triệu (measurable), tập trung vào tháng 6,7 (Euro 2016) để mua laptop mới (specific) nhờ việc bán hàng online (achievable)”. Cũng có thể, tháng 4, chúng ta trúng xổ số 100 triệu, thì mục tiêu cũng đã lỗi thời, có thể nên loại bỏ (mục tiêu “kiếm thêm 50 triệu mua laptop” đã hoàn thành, nhưng nếu chúng ta đặt mục tiêu“kiếm thêm 50 triệu mua laptop và thử sức trong lĩnh vực kinh doanh” thì việc trúng xổ số có rất ít liên quan để mục tiêu này bị loại bỏ).

Tóm lại S.M.A.R.T.E.R = Specific, Measurable, Achievable, Relevant, Time-Bound, Evaluate, Re-Adjust

Xin nói thêm lý do khiến tôi thích phiên bản S.M.A.R.T.E.R này vì nó rất “agile”: chúng ta luôn phải đánh giá và điều chỉnh liên tục để có cách làm phù hợp nhất, nhằm hoàn thành phần công việc có giá trị nhất giúp đạt được mục tiêu có ý nghĩa nhất. Dù vậy, có thể bạn cho rằng yếu tố Evaluate và Re-Adjust gắn với quá trình thực hiện mục tiêu, không gắn với việc xây dựng mục tiêu ban đầu. Nhưng mục tiêu đặt ra là để đạt được và có ý nghĩa, đâu phải chỉ để “đặt ra”, phải không? Hơn nữa, qua ví dụ trên bạn cũng thấy yếu tố Evaluate hoàn toàn có thể được đặt ra ngay trong lúc xây dựng mục tiêu.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều phương pháp S.M.A.R.T.E.R khác có thể phù hợp hơn với bạn. Bạn có thể tham khảo thêm tại:

https://www.wanderlustworker.com/setting-s-m-a-r-t-e-r-goals-7-steps-to-achieving-any-goal/

Nguyễn Hiển – gurunh.com