Không ai có thể phủ nhận vai trò của các nhà phát triển ứng dụng đối với thành công của một nền tảng di động. Chúng ta có thể thấy rất rõ điều này trong sự thất bại của các nền tảng di động như MeeGo, Bada, WebOS.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của MeeGo là kho ứng dụng nghèo nàn. Điều mà hầu hết người dùng phàn nàn về MeeGo, WebOS, Bada không phải là về tính năng, chất lượng, thiết kế của những nền tảng này, mà là về kho ứng dụng quá nghèo nàn. Ngoài những ứng dụng cơ bản, những nền tảng này đều không có được kho ứng dụng phong phú như iOS, Android hay Windows Phone. Trong khi đó, người dùng có nhiều nhu cầu khác nhau về làm việc, giải trí, kết nối.
Một thực tế không thể phủ nhận là hầu hết mọi người ngày nay sử dụng smartphone, máy tính bảng vào các mục đích giải trí như chơi game, xem video, nghe nhạc, đặc biệt là chơi game. Vì vậy các ứng dụng giải trí là hết sức cần thiết. Nhưng cả 3 nền tảng di động trên đều rất nghèo nàn về mảng ứng dụng này. MeeGo tập trung vào các ứng dụng văn phòng và làm việc như soạn thảo văn bản, soạn e-mail, đàm thoại trực tuyến. Trong khi WebOS tập trung vào các tính năng lưu trữ giữ liệu, xử lí thông tin, kết nối trực tuyến.
Kho ứng dụng khiêm tốn với vài nghìn ứng dụng của MeeGo, WebOS, Bada cung cấp quá ít lựa chọn cho người dùng, Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến người dùng không thực sự hào hứng với các nền tảng này. Một sản phẩm muốn thành công cần phải đáp ứng được thị hiếu, nhu cầu của khách hàng. Kho ứng dụng là chính là công cụ để các nền tảng di động đáp ứng những thị hiếu đó.
Nhưng có thực sự là kho ứng dụng đem đến thành công cho các nền tảng di động? Câu trả lời của tôi chắc chắn là không. Các nền tảng di động trong giai đoạn phát triển đầu tiên đều không được nhiều nhà phát triển ứng dụng quan tâm, iOS hay Android cũng không nằm ngoài quy luật đó. Nếu kho ứng dụng đem đến thành công cho các nền tảng di động thì chắc hẳn iOS và Android đã không có ngày hôm nay.
iOS ra mắt lần đầu tiên vào tháng 1-2007, và chính thức xuất hiện trên iPhone vào tháng 9-2007, nhưng đến ngày 11-7-2008, AppStore mới chỉ có 500 ứng dụng, đến tháng 1-2009 con số này mới là 15.000 ứng dụng.
Android ra mắt lần đầu tiên vào ngày 17-8-2005, được Google mua lại và giới thiệu vào tháng 12-2007, smartphone đầu tiên chạy Android là HTC Dream, ra mắt vào tháng 10-2008. Tháng 3-2009, Google Play Store mới chỉ có 2.300 ứng dụng, đến thang 12-2009 con số này mới chỉ dừng lại ở 16.000 ứng dụng. Windows Phone MarketPlace ra mắt tháng 10-2010, đến tháng 5-2011 mới chỉ có 22.000 ứng dụng.
Trong giai đoạn đầu phát triển, iOS và Android cũng không thuận lợi hơn là bao so với MeeGo, WebOS hay Bada. Đây là giai đoạn mà mọi nền tảng di động đều phải trải qua, và cũng là giai đoạn sàng lọc ra những nền tảng có thể thực sự tồn tại và phát triển.
Vậy điều gì đã đưa các nhà phát triển ứng dụng đến với một nền tảng di động? Rất ít các nhà phát triển ứng dụng thực sự quan tâm tới một nền tảng ngay khi nó vừa mới ra mắt. Những nhà phát triển đầu tiên tham gia viết ứng dụng cho một nền tảng di động thường là những đối tác lâu năm của công ty cung cấp nền tảng đó.
Khi Windows Phone 8 ra mắt, Microsoft tổ chức một sự kiện với các nhà phát triển ứng dụng ngay sau đó, với mục đích kêu gọi các nhà phát triển viết ứng dụng cho Windows Phone 8. RIM thậm chí còn tổ chức một sự kiện tương tự trước cả khi BlackBerry 10 và BlackBerry L-series chính thức ra mắt. Những nhà phát triển tiên phong này thường nhận được rất nhiều ưu đãi từ các công ty cung cấp nền tảng đó.
Nhưng còn các nhà phát triển ứng dụng khác, điều gì làm họ quan tâm tới một nền tảng di động. Đó là thành công ban đầu của các nền tảng di động đó. Thử hỏi, nếu iPhone 3G không đạt được doanh số bán hàng ấn tượng, 1 triệu sản phẩm trong 2 ngày cuối tuần đầu tiên, thì các nhà phát triển có quan tâm tới iOS.
Trong một cuộc khảo sát mới đây của IDC, các nhà phát triển cũng cho biết họ không mấy mặn mà với nền tảng Windows Phone 8. Điều đó sẽ chỉ thay đổi khi các smartphone Windows Phone 8 đạt được doanh số bán hàng 10 triệu thiết bị trong quý 4-2012. Thậm trí tới thời điểm này Google còn chưa phát triển những ứng dụng quan trọng như Google Search, Google Now, Google Maps hay GMail cho Windows Phone 8.
Tương tự với nền tảng BlackBerry 10 của RIM, khi các sản phẩm của nền tảng này còn chưa chính thức được bán ra, và người ta chưa rõ phản ứng của thị trường với BlackBerry L-series ra sao, thì rất ít nhà phát triển ứng dụng sẵn sàng mạo hiểm phát triển ứng dụng cho nền tảng này.
Như chúng ta thấy, các nhà phát triển ứng dụng và kho ứng dụng đóng vai trò rất quan trọng, nhưng đó không phải là yếu tố quyết định thành công của một nền tảng di động. Mối quan hệ giữa nền tảng di động và nhà phát triển là quan hệ qua lại theo hướng: “Thành công ban đầu của các nền tảng di động thu hút các nhà phát triển, sự tham gia của các nhà phát triển tạo ra nhiều ứng dụng hấp dẫn thu hút người dùng giúp cho nền tảng di động đó di trì thành công và tiếp tục phát triển”.
ViMob.vn
Theo action.vn
Tương lai windows phone sẽ đi về đâu khi chỉ chiếm hơn 3% thị phần toàn cầu, học mà thấy lo quá đi mất. 🙁