Tin tức mới

Những lợi ích khi cho trẻ em học lập trình sớm

Gần đây, có rất nhiều ý kiến từ cộng đồng ủng hộ việc cho trẻ em học lập trình từ sớm. Cũng có ý kiến phản đối vì cho rằng việc lập trình sử dụng các ngôn ngữ lập trình với các câu lệnh phức tạp sẽ gây nên sự gượng ép, nhàm chán cho trẻ em, dẫn tới phản tác dụng. Với những trải nghiệm thú vị trong quá trình dạy trẻ em học lập trình, qua bài viết này tôi muốn nêu lên một vài quan điểm cá nhân về việc dạy lập trình cho trẻ, nhằm chia sẻ kinh nghiệm với những người làm giáo dục trẻ em và các vị phụ huynh về vấn đề này.

Tại sao dạy lập trình cho trẻ em không hề dễ?

Đầu tiên phải kể đến những nhìn nhận phiến diện về việc lập trình máy tính. Qua phim ảnh và quan sát trong đời sống hằng ngày, chúng ta thấy rằng việc lập trình là cái gì đó “khác thường”, hoặc quá phức tạp với những đoạn mã lệnh khó hiểu, rối bòng bong; những người học/làm công việc lập trình thường là những người lập dị, hoặc họ có lối sống cô độc, bừa bộn, và suốt ngày ngồi bên máy tính. Sự thật không phải như vậy, ngay cả một cậu sinh viên ham chơi games cũng có biểu hiện giống hệt như vậy; tức là đầu rối bù, ít giao tiếp và suốt ngày ngồi lỳ bên máy tính hoặc dán mắt vào chiếc laptop. Thực tế, có rất nhiều lập trình viên trên thế giới là những người thông minh, hoạt bát, vui vẻ, và là những nhà kinh doanh giỏi. Điển hình ai cũng biết về Bill Gates (sáng lập Microsoft), Mark Zuckerberg (sáng lập Facebook), Jack Dorsey (sáng lập Twitter), Larry Page & Sergey Brin (sáng lập Google), … đều là những lập trình viên siêu hạng đồng thời cũng là doanh nhân nổi tiếng đã làm thay đổi cả thể giới. Tất cả những người này đều đam mê công nghệ và có một điểm chung nữa, là đều học lập trình từ nhỏ.

Dưới đây, tôi sẽ liệt kê một số nhận thức chưa đúng về việc học lập trình:

  • Học lập trình chỉ là học ngôn ngữ lập trình và viết mã lệnh: Rất nhiều người đồng nhất việc lập trình với việc ngồi tỉ mẩn viết các dòng mã lệnh khó hiểu, rối rắm và nhàm chán. Thực ra, lập trình chính là quá trình ra lệnh cho máy tính thực hiện công việc theo những gì mình mong muốn. Do đó, nó là cả một quá trình bao gồm nảy ý tưởng, phân tích, thiết kế, sau đó viết mã lệnh chương trình, thử nghiệm và cài đặt để chạy thực tế. Quá trình này đòi hỏi phải giàu ý tưởng, sáng tạo, kiên trì và có nhiều kỹ năng giao tiếp, truyền thông quan trọng.
  • Chỉ người nào chọn nghề lập trình mới học lập trình: Nhiều người cho rằng, học lập trình thì sẽ trở thành lập trình viên. Điều này không đúng, vì từ nhỏ chúng ta học văn nhưng không phải ai cũng thành nhà văn, học toán giỏi cũng chưa chắc thành nhà toán học. Trên thế giới có nhiều doanh nhân học lập trình giỏi, nhưng họ không chọn lập trình là nghề của mình. Tuy nhiên, kiến thức và kỹ năng học được từ lập trình giúp họ rất nhiều trong việc kinh doanh.
  • Học lập trình khô cứng và làm mất khả năng học các môn khác: Trong xã hội hiện nay, phần mềm là phương tiện hỗ trợ để chúng ta làm việc, học tập, vui chơi giải trí. Do đó, học lập trình cũng có thể được lồng ghép vào các môn học khác, trở thành công cụ để rèn luyện các kỹ năng và học các kiến thức khác. Ví dụ, chúng ta có thể dạy trẻ em học lập trình để làm ra một trò chơi hỗ trợ học tiếng Anh, qua đó các em rèn luyện những kỹ năng làm việc khi lập trình, đồng thời các em cũng thuộc luôn bài học tiếng Anh mà các em đang xây dựng phần mềm. Một công, đôi việc. Không những vậy, các em sẽ chủ động học với tâm trạng hứng thú.

Tiếp theo, phải kể đến rào cản lớn nhất trong việc dạy lập trình cho trẻ em đó là công cụ và ngôn ngữ lập trình. Hầu hết các bậc phụ huynh đều nghĩ rằng khi cho con em mình học lập trình, các em sẽ ngồi tỉ mẩn gõ lệnh trong khi từ ngữ tiếng Việt vẫn còn chưa thành thạo. Nỗi ám ảnh này xuất phát từ việc chúng ta mang công cụ và ngôn ngữ lập trình của người lớn để dạy cho trẻ em. May mắn thay, hiện nay đã có các công cụ lập trình dành riêng cho trẻ em. Các em không phải học viết mã lệnh nhàm chán, rối rắm và dễ sai sót nữa. Các công cụ này cung cấp cách thức lập trình đơn giản, thông qua việc lắp ghép các khối lệnh tạo sẵn một cách trực quan.

Học lập trình sẽ giúp các em phát triển những gì?

Kích thích và phát huy trí tưởng tượng

Nguồn: encrypted-tbn3.gstatic.com

Trẻ em vốn rất tò mò và thích khám phá. Trong quá trình đó, các em sẽ rút ra kinh nghiệm đồng thời tưởng tượng thêm từ những gì đã trải nghiệm và quan sát. Tuy nhiên, trí tưởng tượng của trẻ em gắn với hình ảnh trực quan (điều này lý giải tại sao trẻ em thích đọc truyện tranh và xem phim hoạt hình). Vì vậy, để giúp các em phát huy trí tưởng tượng, chúng ta cần tạo môi trường bằng hình ảnh sinh động để các em lắp ghép những câu chuyện tưởng tượng của mình vào đó, sau đó từ việc quan sát và tác động hình ảnh do mình tạo ra, các em lại tiếp tục tưởng tượng thêm cho câu chuyện của mình ngày càng phong phú hơn. Học lập trình chính là tạo ra môi trường trực quan sinh động để các em chủ động phát huy trí tưởng tượng có mục đích.

Diễn đạt ý tưởng theo cách trực quan

Nguồn: http://www.artisanbarn.org
Nguồn: www.artisanbarn.org

Các thể loại văn mô tả, tưởng thuật giúp trẻ em có thể kể chuyện bằng lời những gì các em hiểu và tưởng tượng. Học vẽ giúp cho trẻ diễn đạt điều tưởng tượng trong đầu bằng hình vẽ. Học lập trình thông qua trò chơi sẽ giúp các em kể chuyện bằng hình ảnh chuyển động kết hợp với âm thanh. Không những vậy, câu chuyện trong trò chơi do các em tạo ra sẽ có diễn tiến thời gian và kết cấu logic chặt chẽ, tuân theo các quy tắc hợp lý. Nhờ vậy, các em có thể tăng dần mức độ phức tạp trong câu chuyện do chính các em tưởng tượng ra. Thông qua việc hòa mình vào câu truyện, trò chơi do chính các em tạo ra, các em không chỉ “kể lại” những gì quan sát được, mà còn sáng tạo thêm theo ý của mình.

Chọn lọc và thử nghiệm ý tưởng

Nguồn: www.nationalcityca.gov

Với một em bé thích đi chơi xa, tưởng tượng về hành trình đi đến Huế với hành trình đến Băng-Cốc cũng không khác nhau mấy nếu em không thực sự được quan sát và trải nghiệm cảnh vật và sự việc trên những hành trình đó. Tương tự như vậy, trí tượng tượng nếu chỉ dừng lại trong đầu các em thì mới chỉ là những hình ảnh sơ khai, đơn giản (vì không có hình ảnh thực tế để đắp “da thịt” vào phong phú hơn). Bằng việc dựng lên các câu chuyện và lập trình thành trò chơi, các em đã diễn đạt những gì mình tưởng tượng theo cách trực quan và logic, từ đó gợi mở trí tưởng tượng để có câu chuyện phức tạp hơn, chặt chẽ hơn. Xa hơn nữa, các em có thể đối chiếu so sánh để nhận biết mức độ khó – dễ của các ý tưởng, từ đó có thể thử nghiệm, phân loại và chọn lọc được những ý tưởng của mình.

Phân chia và phối hợp làm việc theo nhóm

Nguồn: us.cdn2.123rf.com
Nguồn: us.cdn2.123rf.com

Khoa học đã chứng minh, lao động và giao tiếp là hai công cụ cơ bản để hình thành ngôn ngữ và tư duy của con người. Việc học lập trình không chỉ tạo động lực để trẻ em chủ động làm việc mà còn thúc đẩy các em chia sẻ và phối hợp với nhau để hoàn thành công việc. Một trò chơi được làm ra đôi khi đòi hỏi nhiều em cùng tham gia thực hiện. Quá trình làm sẽ đòi hỏi các em giao tiếp với nhau để chia sẻ, trao đổi ý tưởng, kiến thức, kinh nghiệm. Với sự hỗ trợ của thầy cô hướng dẫn, các em sẽ làm quen và dần dần nắm bắt được kỹ năng làm việc nhóm.

Xử lý lỗi và tìm giải pháp thay thế

Nguồn: bp.blogspot.com
Nguồn: bp.blogspot.com

Đây là một kỹ năng rất quan trọng trong quá trình rèn luyện cho trẻ em. Bởi vì cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng, trong khi về mặt tâm lý con người luôn muốn mọi thứ diễn ra dễ dàng, suôn sẻ và kết thúc “có hậu”. Nếu không được chuẩn bị trước, khi gặp tình huống bất lợi, một số người có thể dễ dàng bỏ cuộc. Học lập trình sẽ giúp rèn luyện tính cách kiên trì, dám đối mặt với khó khăn. Quá trình lập trình có thể phát sinh ra lỗi, đòi hỏi người viết (là các em) phải kiên trì đối mặt với cảm xúc khó chịu, đồng thời phải biết cách tìm ra lỗi và nghĩ ra giải pháp khắc phục. Việc rèn luyện cho trẻ kỹ năng này đòi hỏi thầy cô, người hướng dẫn phải có phương pháp tốt để giúp các em lĩnh hội được kỹ năng trong tâm trạng thoải mái, sẵn sàng đối mặt với những bất lợi sắp xảy ra.

Rèn luyện kỹ năng thuyết trình

Nguồn: cdn4.123rf.com
Nguồn: cdn4.123rf.com

Khi trẻ em làm được một cái gì đó, chắc chắn các em sẽ khoe ngay với người lớn (bố mẹ, anh chị, thầy cô) và bạn bè về sản phẩm mình đã làm ra. Mức độ vui sướng, hài lòng của trẻ sẽ tăng cao nếu có nhiều người lớn quan tâm, hứng thú, và hiểu rõ những gì các em đã làm. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng trình bày, diễn đạt ý tưởng của các em. Việc học lập trình sẽ giúp cho các em rèn luyện kỹ năng thuyết trình, bao gồm từ dáng đứng, giọng điệu cho đến cách tổ chức nội dung mạch lạc, có thứ tự cũng như thái độ tự tin, chững chạc khi nói.

Phạm Ngọc Hùng (pnhung177@gmail.com)


Hãy tham gia nhóm Học lập trình để thảo luận thêm về các vấn đề cùng quan tâm.

12 thoughts on “Những lợi ích khi cho trẻ em học lập trình sớm

  1. Toi co chau trai 7t rat yeu toan. Toi muon cho chau theo hoc lap trinh. Xin vui long gioi thieu cho toi noi day lap trinh tot cho chau. Xin cam on.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *