Cách đây một năm, trong một buổi thội thảo với các bạn sinh viên CNTT của một trường khá to ở đất Hà thành, tôi hỏi một bạn sinh viên rằng bạn ấy kỳ vọng mức lương bao nhiêu sau khi ra trường, bạn ấy không ngần ngại và trả lời rằng 20 triệu, hỏi ra mới biết là bạn ấy đang học Công nghệ thông tin. Thật sự bất ngờ, mặc dù tôi đã làm trong ngành phần mềm hơn chục năm, cũng gần chừng đó năm kinh nghiệm trong việc đào tạo các thế hệ lập trình viên, nhưng cũng không hiểu được ngay tại sao các bạn sinh viên lại kỳ vọng cao như thế.

Gần đây, càng tiếp xúc nhiều với các bạn sinh viên và các bạn lập trình viên mời tập tễnh vào nghề, tôi mới nhận ra rằng đang có một sự ảo tưởng không hề nhẹ ở một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ này. Có thể thấy rằng, điều này là hệ quả của nhiều năm sôi sục của ngành Công nghệ thông tin Việt Nam trong thời gian gần đây.

Như chúng ta cũng đã biết, Việt Nam là một trong số các nước sản xuất phần mềm lớn nhất thế giới, cùng với các quốc gia khác như Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc, Philipin… Một trong những lợi thế của Việt Nam đó là giá nhân công rẻ, chi phí cho lập trình viên ở Việt Nam thấp hơn so với các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, các nước châu Âu. Tuy nhiên, trình độ của lập trình viên Việt Nam vẫn ở mức thấp, do đó thông thường chỉ được nhận những công việc gia công đơn giản. Các công việc phức tạp, khó khăn (chẳng hạn như phân tích và thiết kế, lập trình nền tảng…) thường được thực hiện ở nước ngoài, sau đó chuyển giao những công việc đơn giản hơn cho các nhóm ở Việt Nam (chẳng hạn như kiểm thử, viết mã nguồn dựa trên thiết kế có sẵn…).

Tình trạng này cũng giống như ngành may mặc của chúng ta vậy. Trong bao nhiêu năm nay, Việt Nam là một trong những nước sản xuất các sản phẩm may mặc lớn nhất thế giới, tuy nhiên chúng ta lại không có những sản phẩm thời trang nổi bật trên thị trường quốc tế. Điều này cũng xuất phát từ việc giá nhân công ở Việt Nam khá rẻ. Và các công việc gia công may mặc ở Việt Nam cũng được thực hiện theo các dây chuyền và thiết kế sẵn có.

Những năm gần đây đã có những chuyển biến đáng ghi nhận trong ngành sản xuất phần mềm ở Việt Nam theo hướng nâng cao dần chất lượng của công đoạn sản xuất và đồng thời thu nhập của nhân lực công nghệ thông tin cũng được nâng lên. Điều này xuất phát từ thực tế khách quan là các phần mềm ngày nay không còn đơn giản như trước, mà càng ngày càng phức tạp hơn, đòi hỏi yêu cầu cao hơn về cả mặt tính năng nghiệp vụ cũng như quy trình phát triển và chất lượng. Do đó, các công việc trình độ thấp ngày càng ít đi, thay vào đó là các công việc đòi hỏi trình độ cao hơn của lập trình viên. Thể hiện rất rõ là ngày càng có nhiều các công ty Việt Nam chuyển dần từ mô hình outsourcing sang mô hình offshoring, tham gia sâu vào việt thiết kế và hình thành sản phẩm. Các nhóm ở Việt Nam cũng có cơ hội để làm việc chung với các lập trình viên từ khắp nơi trên thế giới, do đó cần nâng cao trình độ để có thể cộng tác một cách tương xứng.

Cũng trong những năm gần đây, nhiều công ty nước ngoài mở chi nhánh ở Việt Nam để tực tiếp sản xuất phần mềm thay vì thuê các công ty Việt Nam. Cùng với sự bùng nổ của phong trào khởi nghiệp, đặc biệt là các khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ hoặc có sử dụng công nghệ, môi trường Công nghệ thông tin ở Việt Nam càng trở nên sôi động, nhân lực công nghệ thông tin ở Việt nam lại trở thành một chủ đề mấu chốt cần quan tâm.

Theo một con số được công bố trên Thời báo kinh tế Sài Gòn, mỗi năm Việt nam thiếu 80.000 nhân lực trong ngành công nghệ thông tin, trong khi các trường đại học và các cơ sở đào tạo chỉ cung cấp được khoảng 32.000. Phần thiếu hụt còn lại là rất lớn, dẫn đến tình huống các công ty dành giật nhân sự của nhau. Trước đây, nghỉ việc hoặc chuyển công ty là một việc ít khi xảy ra và nếu xảy ra thì đều được cân nhắc rất kỹ. Còn bây giờ, nhảy việc là xu hướng. Theo một khảo sát của Vietnamworks, hơn 60% những người được hỏi đều có ý định nhảy việc trong vòng 6 tháng tới.

Cách đơn giản nhất để thu hút nhân sự đó là nâng mức lương và đãi ngộ. Đối với các công ty nhỏ hoặc mới thành lập thì đôi khi đây là lợi thế duy nhất của họ. Do đó, họ không ngần ngại nâng cao mức lương lên để có thể có được người, dẫn đến một tình trạng thường được gọi là “Bong bóng lương”. Chẳng hạn, một lập trình viên mới ra trường, đang đi làm với mức lương là 7 triệu một tháng, có thể sẽ nhận được một lời mời làm việc ở một công ty khác với mức lương 8-9 triệu. Sáu tháng sau, cũng là lập trình viên đó với mức lương 9 triệu, có thể nhận được một lời mời với mức lương 11-12 triệu. Và cứ như thế, mức lương được đẩy lên trong khi trình độ của lập trình viên thì không có thay đổi gì đáng kể. Đặc biệt là đối với các công ty khởi nghiệp có vốn đầu tư từ bên ngoài, họ sẵn sàng dành lợi thế tốc độ thông qua việc “đốt” tiền để tuyển được nhân sự.

Thông thường, mức thu nhập ở một ngành nào đó cao thì đó là tín hiệu tốt của ngành, điều này cũng đúng với ngành Công nghệ thông tin. Tuy nhiên, có một khía cạnh khác khá nghiêm trọng đó là các lập trình viên dễ tự mãn, ảo tưởng về trình độ của mình bởi vì mức lương, công việc mà mình đang có đang vượt trội so với mức trung bình của các ngành nghề thông thường khác. Từ đó, dẫn đến hiện tượng không coi trọng các giá trị đích thực của công việc, của nhân viên, của một chuyên gia. Thể hiện cụ thể nhất đó là sự gắn kết với công ty ngày càng giảm, tỉ lệ nhảy việc rất cao, gây tổn thất lớn cho bản thân các doanh nghiệp.

Thể hiện thứ hai đó là các lập trình viên không đầu tư để phát triển chuyên môn bản thân một cách bài bản và bền vững. Thay vào đó chỉ cần đếm “số năm kinh nghiệm” là đã có thể làm mưa làm gió trên thị trường. Nếu cứ tiếp tục tình trạng này, trình độ của lập trình viên Việt Nam không những không được nâng lên mà ngày càng chững lại, lạc hậu so với thế giới trong môi trường phát triển rất năng động của công nghệ.

Lỗi từ đâu? Trước tiên là nhà trường, vì đã không đào tạo được các lập trình viên hiện đại có trình độ cao tương xứng với yêu cầu của ngành, và cũng không đào tạo được ý thức nghề nghiệp và tác phong làm việc chuyên nghiệp cho các lập trình viên. Sau đó là lỗi từ các doanh nghiệp với tư duy ăn xổi, mong muốn nhanh chóng lôi kéo nhân sự từ các công ty khác bằng cách nâng mức lương trong ngắn hạn. Vô hình trung đã tự mình làm khó mình bởi vì các công ty khác cũng có thể lôi kéo nhân viên của mình với cách làm tương tự. Quả bong bóng lương đã to nay lại càng ngày càng to hơn.

Trong tình hình của ngành công nghệ thông tin như hiện nay, lựa chọn làm việc trong ngành này là một định hướng tốt, xét trên nhiều góc độ, từ mức thu nhập, điều kiện làm việc, khách hàng, sản phẩm và tương lai. Tôi muốn có lời khuyên cho các bạn trẻ đang là lập trình viên hoặc các bạn đang tìm hiểu để đi theo ngành này:

  • Đối với những người đang làm việc trong ngành Công nghệ thông tin, đây là thời điểm mà các bạn có rất nhiều cơ hội và lợi thế. Cần tận dụng lợi thế này để nâng tầm của từng cá nhân, của công ty và của cả nền công nghiệp phần mềm Việt Nam thông qua việc liên tục học hỏi, nâng cao trình độ và tạo ra các sản phẩm có chất lượng. Đừng sớm hài lòng với chính mình vì điều kiện sống và làm việc hiện tại đã tốt, mà hãy trau đồi năng lực để tạo cho mình một nền tảng chắc chắn để đảm nhận được các công việc thú vị và ý nghĩa hơn.
  • Đối với những bạn đang tìm hiểu để gia nhập vào đội ngũ các lập trình viên thì hãy an tâm mà lựa chọn. Với ảnh hưởng to lớn của Công nghệ thông tin lên các ngành nghề khác thì đây vẫn là một ngành phát triển rất nhanh và bền vững. Hãy tiếp cận một cách chuyên nghiệp, học lập trình chuyên nghiệp, làm lập trình chuyên nghiệp. Nhưng để ý, đừng quá ảo tưởng, mà hãy chăm lo cho năng lực của bản thân mình – đó mới là nền tảng phát triển lâu dài.

Nguyễn Khắc Nhật

Theo CodeGym